Quân sự Nhà Tống

Một chiếc chiến thuyền triều Tống, lấy từ "Vũ kinh tổng yếu".

Tổ chức quân đội

Những năm đầu, Bắc Tống kế tục chế độ thời Hậu Chu, đặt "Điện tiền ty" và "Thị vệ thân quân ty", gọi chung là lưỡng ty,[tham 48] với các quân chức cao cấp như "Điện tiền ty đô điểm kiểm", "Điện tiền ty phó đô điểm kiểm", "Thị vệ thân quân ty mã bộ quân đô chỉ huy sứ", "Thị vệ thân quân ty phó đô chỉ huy sứ". Nhằm tăng cường hoàng quyền và ổn định tầng lớp quân sự, Tống Thái Tổ quyết định tăng cường trung ương tập quyền, đề phòng võ tướng tước đoạt quyền lợi.[tham 49] Tháng ba năm Kiến Long thứ 2 (961), Tống Thái Tổ tước bỏ quân chức "điện tiền ty đô điểm kiểm" trọng yếu trong cấm quân. Tháng bảy cùng năm, Tống Thái Tổ thông qua "bôi tửu thích binh quyền" để giải trừ quân quyền của võ tướng, đồng thời phế trừ chức "điện tiền ty phó đô điểm kiểm",[tham 50] Thị vệ thân quân ty mã bộ quân đô chỉ huy sứ và phó đô chỉ huy sứ trong một thời gian dài không đặt,[tham 51]. Năm Cảnh Đức thứ 2 (1005) thời Tống Chân Tông, phế bỏ "thị vệ thân quân ty đô ngu hầu",[tham 52] "thị vệ thân quân ty" phân thành "thị vệ thân quân mã quân ty" và "thị vệ thân quân bộ quân ty", hai đơn vị này và "điện tiền ty" được gọi chung là "tam nha", đến đây hoàn thành diễn biến từ lưỡng ty đến tam nha môn, tam nha phân biệt do "điện tiền ty đô chỉ huy sứ", "thị vệ thân quân ty mã quân đô chỉ huy sứ" và "thị vệ thân quân ty bộ quân đô chỉ huy sứ" thống lĩnh. Tuy vậy, tam soái không có quyền phát binh. Thời Tống, tại trung ương thiết lập xu mật viện để phục trách quân vụ, xu mật viện do hoàng đế phụ trách trực tiếp, bất kỳ quan viên nào cũng không được can thiệp. Xu mật viện tuy có thể phát binh, song không thể trực tiếp thống quân, điều này dẫn đến phân ly quyền thống binh và quyền điều binh. Triều Tống thực hành "Canh Tuất pháp", thường tiến hành thay thế tướng lĩnh thống binh, nhằm khiến tướng không thể chuyên thống lĩnh một đơn vị, nhằm đề phòng trong quân đội xuất hiện thế lực cá nhân. Thời chiến tranh, tư lệnh chiến khu đều do văn quan hoặc thái giám đảm nhiệm, và cải biến chiến lược nhất thiết phải được hoàng đế đồng ý, điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lực của triều Tống.

Triều Tống thực hành "sùng văn ức võ, dĩ văn chế võ", xu mật viện sứ và xu mật viện phó sứ phần nhiều là do văn quan đảm nhiệm, thiểu số võ thần từng nhậm chức tại xu mật viện, song đều chịu sự phản đối từ văn thần với lý do quy tắc của tổ tông,[tham 53] đều bị bãi truất. Sau thời Tống Chân Tông, triều đình sử dụng văn quan làm quan thống binh, đốc soái võ tướng, dần thành quán lệ; an phủ sứ, kinh lược an phủ sứ do văn quan đảm nhiệm, võ tướng đảm nhiệm đô bộ thư (đô tổng quản), phó đô bộ thự, bộ tự (tổng quản), phó bộ thự, kiềm hạt, tuần kiểm, đô giám, hiệu là tướng quan, lĩnh binh mã, thụ chỉ huy. Thời kiến quốc, Tống bố trí binh lực "thủ nội hư ngoại", song sau những năm Hi Ninh (1068-1077) thì quân đồn trú tại thủ đô giảm thiểu[chú thích 3]

Triều Tống thi hành chế độ mộ binh mang tính tự nguyện[tham 54], và trong năm có nạn thì chiêu mộ dân lưu tán, dân đói làm binh sĩ, như một loại quốc sách truyền thống, có tính chất phúc lợi xã hội, tạo tác dụng ổn định chính quyền[chú thích 4][chú thích 5] Quân đội triều Tống phân thành bốn quân chủng là cấm quân, sương quân, hương binh, phiên binh. Cấm quân là quân chính quy, cũng là chủ lực trong quân đội triều Tống. Sương quân là trấn binh các châu, do quan đứng đầu địa phương khống chế. Hương binh gồm các tráng đinh được các cơ quan chọn ra. Phiên binh là quân đội dân tộc phi Hán phòng thủ tại biên cảnh[tham 55].

Máy bắn đá vẽ trong "Vũ kinh tổng yếu".

Bắc Tống từ thời trung kỳ về sau tiến hành chiến tranh với các quốc gia Liêu và Tây Hạ, khiến phí tổn quân sự gia tăng, đối với tướng soái thống binh hạn chế quá nhiều "quyền nhiệm nhẹ song pháp chế mật", tướng không được chuyên binh, bị kiềm chế hành động; chủ tướng không biết bộ tướng có tài hay không, còn các tướng lĩnh thì không biết mạnh yếu của tam quân, mỗi người không quản hạt lẫn nhau, tự khiêm nhường. Ngoài ra, kỷ luật quân đội bất minh khiến quân Tống thiếu huấn luyện nghiêm trọng, suốt ngày "du hí giữa phố chợ". Trương Diễn Bình nói rằng triều Tống đối đãi với võ thần thì hậu về lộc song bạc về lễ.[tham 56] Chủ lực trong quân đội Nam Tống là đại binh đồn trú và tam nha. Đại binh đồn trú có sức chiến đấu khá mạnh, phần nhiều thuộc bộ đội do tư nhân triệu mộ, như "Nhạc gia quân". Đương thời, năng lực khống chế quân đội của triều đình đã yếu đi, quyền hạn của Xu mật viện cũng dần giảm thiểu. Năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), binh quyền của các tướng lĩnh như Hàn Thế Trung, Nhạc Phi lần lượt bị tước giảm[tham 57]

Quân đội nhà Tống chia ra 4 loại: Cấm quân, Sương quân, Hương binh và Phiên binh.

  • Cấm quân: Là lực lượng tinh nhuệ nhất. Đây là quân thường trực, do hoàng đế trực tiếp chỉ huy. Binh sĩ được tuyển từ trai khoẻ trong nước và lấy sương quân bổ sung lên. Lực lượng này chủ yếu dùng để bảo vệ kinh đô, ngoài ra còn chia nhau đóng trại để bảo vệ những vùng hiểm yếu trên toàn quốc và các vùng biên giới. Về quân số, nhà Tống năm 976 (Tống Thái Tổ) có tổng cộng 193.000 cấm quân. Đến năm 997 đời Tống Thái Tông, quân số tăng đến 358.000 người.
  • Sương quân: quân các lộ, phủ, châu, huyện trong nước. Đây là lực lượng bảo an, phục dịch quân sự ở các địa phương, được quản lý bởi “Tuyên huy viện”. Loại quân này thường được dùng vào những việc như tiếp nhận cống phẩm, phục dịch đón tiếp tân khách, sắm sửa lễ vật khi tế tự, triều hội, yến tiệc… Ngoài ra, họ còn phải tham gia xây đắp thành luỹ, dựng doanh trại. Họ cũng được dùng để canh phòng, tuần tra, chiến đấu, nhưng không nhiều lắm. Về quân số, thống kê năm 1085 cho thấy nhà Tống có 84 đơn vị sương quân, tổng cộng 227.627 người.
  • Hương binh: dân binh địa phương, do làng phụ trách tập luyện võ nghệ, được dùng để bảo vệ làng mạc. Muốn lập hương binh thì phải xin phép triều đình, nhưng số lượng binh lính của loại quân này không do triều đình quy định. Người ta chỉ căn cứ vào số đinh trong làng và nhu cầu làng đó cần bao nhiêu hương binh phục vụ rồi lập ra. Như vậy, hương binh là một dạng dân binh tự vệ do dân chúng lập nên, có xin phép nhà nước. Khi có giặc giã thì họ ra chiến đấu, khi hoà bình lại trở về làm ăn. Tuy vậy, những ai có thành tích trong chiến đấu sẽ được làng tâu lên triều đình để xét phong tặng, khi chết sẽ được thờ trong võ miếu của làng.
  • Phiên binh: quân đội của các bộ tộc thiểu số đã quy thuận nhà Tống. Họ chịu trách nhiệm giữ yên địa vực cư trú. Khi có giặc xâm phạm hay biến loạn xảy ra trong địa vực thì phiên binh phải thám thính, báo cáo cho triều đình điều cấm quân đến đánh dẹp. Nếu đã có sẵn cấm quân đóng gần đó thì phải liên hệ, phục dịch, phối hợp thực hiện mệnh lệnh của triều đình. Ngoài ra, Phiên binh cũng có chế độ luyện tập, thưởng phạt như các loại quân khác.

Triều đình còn sai các “giáo luyện sứ” xuống tổ chức việc huấn luyện ở các địa phương. Theo Văn Hiến Thông Khảo, Lộ Quảng Nam Đông và lộ Quảng Nam Tây, cứ 5 nam đinh chọn 1 làm lính, giao cho vũ khí, cho tập võ nghệ theo đơn vị huyện. Quảng Nam Đông tập được 14.000 binh, Quảng Nam Tây được 39.800 binh. Về sau, định thành lệ tập quân vào tháng 10-11 hàng năm.

Về kỵ binh, theo thống kê năm 979, nhà Tống có tất cả 170.000 con ngựa, chưa tính 42.000 con cướp được của nước Bắc Hán. Do 16 châu Yên Vân, vốn vùng thảo nguyên cung cấp ngựa, đã mất gần hết vào tay nước Liêu nên nhà Tống chuyển sang mua ngựa từ các nước Đại Lý, La Điện, Đặc Ma, Tạ Phiên, La Khổng, Đằng Phiên. Triều đình có “kỳ ký viện” chuyên phụ trách chọn giống ngựa tốt dùng làm ngựa chiến, giao cho các “mục trường” phụ trách chăn nuôi và huấn luyện.

Trang bị

Thời Tống, kỹ thuật quân sự rất tiến bộ. Từ triều nhà Đường về trước vẫn nằm trong thời đại binh khí lạnh (gươm giáo, cung tên), song từ triều Tống trở đi thì hỏa khí (vũ khí sử dụng thuốc súng) bắt đầu xuất hiện trên vũ đài chiến tranh. Ngoài vũ khí truyền thống, quân Tống sử dụng thêm các vũ khí mới như "phích lịch pháo", "chấn thiêu lôi", "dẫn hỏa cẩu", "thiết hỏa pháo", "hỏa tiễn", "hỏa cầu", "hỏa thương", "hỏa pháo", từng bước tiến vào thời đại sử dụng cả lãnh binh khí và hỏa khí.

Về trang thiết bị thủy chiến, thủy quân vẫn phát triển tại khu vực Giang Hà, Tần Hải, thời Nam Tống còn có "xa thuyền". Ở trung ương có “tạo thuyền vụ” phụ trách đóng thuyền, ở địa phương, những nơi bến bãi thuyền, những điểm trung tâm giao dịch vùng duyên giang hoặc duyên hải, họ đều có các “tạo thuyền trường” phụ trách đóng và sửa chữa thuyền bè cho dân chúng và quan quân. Một số loại chiến thuyền thời Tống:

  • Lâu thuyền: Lâu thuyền đời Tống thường có 3 tầng lầu, dùng để quan sát và chiến đấu, được trang bị máy bắn đá. Ván đóng thuyền đều là loại gỗ tốt chắc. Ván thuyền dày 1 thốn (3,07 cm), ván lầu dày 5 phân (1,03 cm), xà thuyền dày 4 thốn (12,3 cm) trở lên. Trên lầu có cờ hiệu, chiêng trống, lỗ quan sát địch. Quanh mạn thuyền đều có tường gỗ cao để che chắn cho đà công (thợ lái) và các tay chèo.
  • Chiến hạm: Loại thuyền này có 2 điểm đáng chú ý. Một là, quanh lòng thuyền có ken gỗ làm thành để ngăn đỡ tên đạn đối phương. Hai là, phía trước phía sau mạn thuyền đều có khâu xích. Khi cần, các chiến hạm có thể xích nối với nhau thành một mảng, tạo thế liên hoàn đối đầu với thuyền địch, hoặc để làm cầu vượt sông.
  • Chiến thuyền: tương tự như chiến hạm, nhưng kích thước nhỏ hơn, cơ động và nhanh hơn, thích hợp khi chiến đấu ở những con sông nhỏ.
  • Thuyền Mộc Lan: một loại thuyền vận tải rất lớn. Theo sách Lĩnh Ngoại Đại Đáp, thuyền này như một cái nhà lớn, bánh lái dài đến vài trượng (1 trượng = 3,33 met), buồm giăng như mây trời buông xuống. Một thuyền Mộc Lan có thể chở vài trăm người, chứa được lương thực đủ dùng trong 5 năm. Thuyền rộng đến mức có thể nuôi lợn, cất rượu trên ấy.
  • Thuyền Quảng Đông: một loại thuyền do địa phương Quảng Đông sản xuất, nổi tiếng về độ bền chắc vì được đóng bằng gỗ lim. Người ta nói rằng, lấy thuyền Phúc Kiến thường làm bằng gỗ thông mà húc vào thuyền Quảng Đông thì không khác gì ném đá vào vách núi.

Về máy bắn đá thì có "xa hành pháo", "đơn sảo pháo", "toàn phong pháo"[tham 58]

Trong các đời vua, tại trung ương và địa phương thiết lập nhiều cơ cấu chế tạo và quản lý binh khí, khống chế nghiêm ngặt chế tạo và phân phát binh khí, còn quy định chế độ kiểm tra, duy tu và trao binh khí. Quân khí được chứa trong các kho quân khí gọi là “vũ khố”, do các viên “quân khí khố sứ” và “quân khí khố phó sứ” phụ trách bảo quản và phân phát cho binh sĩ. Nhà Tống chia vũ khí thành 2 loại: “trường trận” chỉ các loại vũ khí tấn công tầm xa; “đoản binh” chỉ các loại vũ khí cận chiến. Trong đó, các vũ khí “trường trận” được đầu tư khá chu đáo.

Trong việc bảo vệ thành trì, phát triển các cách thức xuất thành chế, nỗ đài, địch lâu. Trong đó, có danh tiếng nhất là thể chế phòng ngự sơn thành, tướng Dư Giới của Nam Tống tại Tứ Xuyên phòng ngự quân Mông Cổ, nhằm củng cố khu vực Xuyên Tây đã sử dụng phương châm "thủ điểm bất thủ tuyến, liên điểm nhi thành tuyến", xây đắp thành Điếu Ngư, Đại Hoạch, Thanh Cư, Vân Đính, Thần Tí, Thiên Sinh, tổng cộng hơn 10 thành, hình thành một mạng lưới phòng ngự, đề kháng thành công sự công kích của quân Mông Cổ[tham 59]

Điểm yếu

"Trung Hưng tứ tướng Nhạc Phi, Trương Tuấn, Hàn Thế Trung, Lưu Quang Thế đồ" của Lưu Tùng Niên thời Nam Tống. Thứ hai bên trái là Nhạc Phi, thứ tư là Trương Tuần, thứ hai bên phải là Lưu Quang Thế, thứ tư là Hàn Thế Trung.

Tuy trang bị mạnh hơn các triều đại trước, nhưng quân đội nhà Tống bị đánh giá là yếu so với quân đội các triều đại lớn khác trong lịch sử Trung Quốc. Không chỉ thất bại trong chiến lược thu phục 16 châu Yên Vân, nhà Bắc Tống còn liên tục thất thế trong các cuộc chiến tranh với bên ngoài, phải dâng tiền cấp dưỡng cho Liêu, Hạ trong suốt một thời gian dài, về sau thì bị mất lãnh thổ phía Bắc và tay nhà Kim, cuối cùng thì mất nước vào tay Mông Cổ. Đó là bởi những nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan như:

  • Quốc sách của nhà Tống bị đời sau đánh giá là “thủ nội hư ngoại” (quá chú trọng vào việc nội bộ khiến đất nước mất đi ưu thế với bên ngoài). Vấn đề thứ nhất là nạn “nhũng binh”: khi đất nước gặp phải thiên tai, các Hoàng đế Tống triều thường chiêu mộ thêm một lượng lớn binh sĩ, cấp lương bổng cho họ để làm yên lòng dân. Dưới thời Tống Thái Tổ, quân đội toàn quốc có 37,8 vạn người. Con số này đã tăng lên tới gần 66,6 vạn người vào thời Tống Thái Tông. Đến thời Tống Chân Tông, quân số đã tăng lên 91,2 vạn và chính thức đạt tới 125,9 vạn dưới thời Tống Nhân Tông. Từ đó về sau, số lượng binh sĩ của nhà Tống thường duy trì ở mức 110 vạn quân. Quân số quá lớn trở thành gánh nặng lớn đối với tài chính quốc gia. Một học sĩ thời đại này từng đánh giá: “Mười phần (ngân sách quân sự) thì có tới chín phần cung ứng cho quân đội, vậy mà vẫn không đủ vì số lượng binh lính quá nhiều.” Quân đông như vậy nhưng chất lượng binh sỹ lại kém, vì nhiều người già cả, ốm yếu vẫn cứ ở trong quân ngũ để lĩnh lương, triều đình không dám sa thải lượng lớn binh sỹ ốm yếu vì sợ dân chúng bất bình.
  • Tống Thái Tổ lập quốc trong kỳ thời rối loạn Ngũ đại Thập quốc. Để giải quyết một cách triệt để tình thế các tướng phiên trấn làm loạn từ cuối đời Đường, ông tăng cường chế độ tập quyền trung ương, tước giảm quyền lực của các võ tướng, đặt ra hàng loạt các quy định giám sát để ngăn chặn việc võ tướng làm phản. Chính sách này đã giải quyết triệt để tình trạng võ tướng làm loạn từ cuối nhà Đường, nhưng về lâu dài đã làm suy yếu quân đội, làm võ tướng mất dần khả năng chỉ huy tác chiến, tướng không biết lính, lính không quen tướng, các tướng cũng chẳng phối hợp tốt với nhau nên quân đội chẳng còn sức chiến đấu. Cơ cấu quân sự bị quan liêu hóa nghiêm trọng, công tác chỉ huy cản trở lẫn nhau, hiệu quả tác chiến thấp. Chu Hy thời Nam Tống đã chỉ ra: "Triều đình biết được cái gương xấu của Ngũ đại, binh cũng thu, tài chính cũng thu, thưởng phạt hành chính đều thu, châu quận dần dần trở nên khó khăn yếu kém". Câu nói đó đã chỉ ra đúng "căn bệnh" do chính sách tập trung quyền lực cao độ của Tống Thái Tổ gây ra.
  • Nhà Tống có chính sách “sùng văn ức võ, dĩ văn chế võ”. Các vua từ Tống Chân Tông trở đi đều là văn nhân, không quen chinh chiến như 2 đời vua đầu (Thái Tổ, Thái Tông), nên việc quân Nhà Tống bị đình trệ. Tống triều có lệ trọng dụng quan văn, việc cầm quân đôi khi còn được giao cho quan văn. Cũng theo đó, địa vị của võ tướng trong triều tương đối thấp, bị tập đoàn quan văn coi thường. Do vậy, ít có người đủ tài năng đi theo nghiệp võ, tướng soái vô năng khiến cho quân đội tuy đông nhưng sức chiến đấu lại kém.
  • Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường đã đem tặng mười sáu châu Yên Vân cho nước Liêu của người Khiết Đan. Khu vực này từ thời Hán, Đường đã là nơi chuyên cung cấp chiến mã và kỵ binh, một lực lượng có sức mạnh cơ động, đột kích vượt trội trong thời trung cổ. Kết quả là đến thời nhà Tống thì Trung Quốc bị thiếu kị binh, chủ yếu chỉ dựa vào bộ binh nên lúc nào cũng ở vào thế bị động phòng thủ trước các cuộc tấn công của kị binh các nước Liêu, Hạ, nếu quân Tống rời khỏi thành trì để giao chiến hay truy kích quân địch thì rất dễ thất bại. Suốt đời Tống Thái Tổ luôn muốn khôi phục 16 châu Yên Vân, tuy nhiên các lần bắc phạt của ông đều thất bại do thiếu 1 đội kỵ binh đủ ngăn được sự tiếp viện của quân Liêu. Tình trạng quân đội yếu ớt về kỵ binh, thiếu sức cơ động đã kéo dài suốt thời Nhà Tống.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà Tống http://www.confucianism.com.cn/html/wenxue/1348450... http://www.cenet.org.cn/cn/CEAC/2005in/jjs008.doc http://www.art-and-archaeology.com/timelines/china... http://books.google.com/books?id=BxH0PqdGTVUC&pg=R... http://www.lunwentianxia.com/product.free.4452120.... http://www.xabusiness.com/china-resources/song-lia... http://www.artsmia.org/art-of-asia/history/dynasty... http://www.bcps.org/offices/lis/models/chinahist/s... http://www.chinaheritagequarterly.org/features.php... //dx.doi.org/10.1163%2F156852001753731033